Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, sau khi phân cấp, ủy quyền, UBND cấp xã sẽ thực hiện hàng nghìn thủ tục hành chính. Do đó, cán bộ xã, phường phải nắm chắc các vấn đề; đồng thời phải làm việc với tư duy mới để phục vụ nhân dân.
Chiều 1.7, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác T.Ư đã đi thăm, kiểm tra tại xã Phúc Thịnh (TP.Hà Nội). Đây là một trong 5 xã được hình thành gồm các xã: Nguyên Khê, Bắc Hồng, Nam Hồng, Tiên Dương, Vân Nội và một phần của TT.Đông Anh (thuộc H.Đông Anh cũ). Xã có diện tích tự nhiên hơn 42 km², dân số gần 91.000 người, 22.609 hộ.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh vị trí quan trọng của xã Phúc Thịnh khi là cửa ngõ thủ đô kết nối với sân bay Nội Bài, đặc biệt nằm trọn trong trục Nhật Tân - Nội Bài, được xác định là "trục động lực của thủ đô". Tổng Bí thư bày tỏ ấn tượng trước việc xã Phúc Thịnh đã ban hành đầy đủ các quy chế làm việc và xác định được 9 nhiệm vụ công tác đúng trọng tâm. Bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến bộ máy hệ thống chính trị xã được bố trí hợp lý và hoạt động thông suốt, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính vẫn phải tiếp tục được đẩy mạnh để "quản lý, quản trị đều phải tốt".
Rời xã Phúc Thịnh, Tổng Bí thư và đoàn công tác đã đi kiểm tra hoạt động tại Chi nhánh số 1 - Trung tâm phục vụ hành chính công TP.Hà Nội; thăm, kiểm tra, động viên cán bộ làm việc tại trụ sở UBND P.Tây Hồ, Hà Nội.
Tổng Bí thư Tô Lâm xem tra cứu thủ tục hành chính trên nền tảng iHanoi tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP.Hà Nội. ẢNH: GIA HÂN
Tại P.Tây Hồ, ông Nguyễn Đình Khuyến, Bí thư Đảng ủy P.Tây Hồ, báo cáo đoàn công tác: P.Tây Hồ được sắp xếp gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của P.Bưởi (Q.Tây Hồ cũ) và một phần các phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ, Thụy Khuê, Xuân La, Quảng An (Q.Tây Hồ cũ); P.Nghĩa Đô (Q.Cầu Giấy cũ). Phường rộng hơn 10 km², trong đó 5,26 km² là hồ Tây, có hơn 100.000 dân.
Trong ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy P.Tây Hồ đã triển khai tổ chức họp thông qua các quy chế làm việc, chương trình công tác. HĐND - UBND phường đã tổ chức họp, triển khai các nghị quyết, vận hành bộ máy trơn tru, phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Đúng với phương châm gần dân, sát dân
Kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết đoàn công tác của T.Ư rất vui mừng, phấn khởi khi đi cùng các lãnh đạo TP.Hà Nội về làm việc với phường, vì trước kia bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc nên "làm việc với phường khó lắm". Tổng Bí thư bày tỏ sự phấn khởi khi ngày đầu tiên triển khai mô hình cấp phường hoàn toàn mới, mới từ quy mô, phương thức, cách làm cho đến cán bộ…, đúng với phương châm gần dân, sát dân.
Đối với P.Tây Hồ, Tổng Bí thư lưu ý địa bàn này có vị trí rất quan trọng. Sau khi sắp xếp lại, cán bộ P.Tây Hồ đã nhanh chóng ổn định, bước đầu hoạt động được ngay và đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra hoạt động tại Chi nhánh số 1 - Trung tâm phục vụ hành chính công TP.Hà Nội. ẢNH: VIẾT THÀNH
Quá trình kiểm tra hoạt động, Tổng Bí thư nhận thấy ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không bị gián đoạn. Mọi thủ tục pháp lý, giải quyết nhu cầu của nhân dân không bị chậm, không bị đứt đoạn nên người dân rất hài lòng.
Theo Tổng Bí thư, trước đây, các phường cũ trên địa bàn Q.Tây Hồ cũng có dự thảo báo cáo chính trị nhưng với phường mới khi đi vào hoạt động sẽ khác, nhu cầu sẽ khác. Do đó, P.Tây Hồ cần phải có định hướng phát triển trong 5 năm tới, dự trù trong nghị quyết của đảng bộ để có phương hướng, mục tiêu triển khai.
"Tây Hồ có lợi thế dịch vụ, thương mại, vậy định hướng chung thì dịch vụ cần làm gì, làm ở địa bàn nào? Định hướng gì để có nguồn thu cho phường. Vì với những phường này dịch vụ thương mại là rất quan trọng", Tổng Bí thư gợi ý.
Tổng Bí thư cho biết đã gợi ý Hà Nội phát triển trung tâm ăn uống và P.Tây Hồ hoàn toàn có điều kiện như vậy, phải tận dụng. Tuy nhiên, việc này cần được tổ chức bài bản, có quản lý, có kiến tạo nhưng cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, giữ gìn vệ sinh môi trường và sức khỏe.
Theo Tổng Bí thư, thủ đô là phải văn minh, sạch sẽ, đời sống văn hóa, sinh hoạt cũng phải cao, việc học tập phải được ưu tiên vì phúc lợi xã hội cao, đầu tư xã hội lớn, thu nhập bình quân đầu người cao…
Cán bộ phải làm việc cho đến lúc người dân hài lòng
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư lưu ý, thời gian vừa qua, T.Ư triển khai rất mạnh nhiều nghị quyết như nghị quyết về thể chế, về kinh tế tư nhân, về hội nhập nhưng xuống đến phường thì thấy "rất nhạt". Nếu để những nghị quyết của T.Ư đến với phường rất xa, rất khó thì đến với dân lại càng khó và nghị quyết sẽ không đi vào cuộc sống.
"Vì vậy, cơ sở phải cố gắng làm tốt những vấn đề này. Sắp tới có nghị quyết về GD-ĐT, nghị quyết về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng tôi hy vọng những nghị quyết đó là nhu cầu thiết yếu của người dân thì chính cấp cơ sở là người tổ chức quán triệt, phải thực hiện tốt nhất", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
"Các công chức phường làm việc với tinh thần làm đến nơi đến chốn, làm cho có kết quả, làm cho đến lúc người dân hài lòng. Không phải chỉ làm hết trách nhiệm. Thậm chí thấy dân khó khăn băn khoăn cái gì phải lao đến hỗ trợ, tiếp xúc, hướng dẫn, gợi ý để người dân làm được hay hơn", Tổng Bí thư nói và cho biết, nếu để dân thiếu điều gì mà cán bộ không biết thì "rất dở". Càng dở hơn nếu biết nhưng không làm, thấy không có quyền lợi thì lơ đi.
Tổng Bí thư tin tưởng, với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, tinh thần đoàn kết, trí tuệ và khát vọng, sự năng động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, P.Tây Hồ sẽ xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
8.000 nhân viên bưu điện hỗ trợ cấp xã Với hơn 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc, mạng lưới Bưu điện VN đã trở thành "cánh tay nối dài" trong thực hiện cải cách hành chính, kết nối người dân và chính quyền, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, gần dân, phục vụ dân. Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện VN (Vietnam Post), cho biết: Từ ngày 1.7, để hỗ trợ UBND cấp xã trong sắp xếp, triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bưu điện VN bố trí 8.000 cán bộ, công nhân viên tham gia hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. "Trong ngày đầu Bưu điện VN bố trí nhân lực hỗ trợ UBND cấp xã trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, sự phối hợp giữa bưu điện và chính quyền địa phương được thực hiện rất chặt chẽ. Người dân tiếp cận thủ tục hành chính thuận tiện hơn, được hướng dẫn các bước thực hiện thủ tục một cách chi tiết, rõ ràng, tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình thực hiện thủ tục", ông Chu Quang Hào cho hay. Thu Hằng ![]() Nhân viên bưu điện hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính tại xã Đồng Hỷ (Thái Nguyên). ẢNH: N.LINH |
Hệ thống trơn tru, làm thủ tục hành chính chỉ mất 15 phút Ghi nhận thực tế ngày 1.7, ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các cán bộ UBND P.Nghĩa Đô (Hà Nội) đã có mặt từ sớm tại trụ sở để chuẩn bị đón tiếp những công dân thủ đô đến giải quyết thủ tục hành chính. P.Nghĩa Đô hình thành từ sự hợp nhất toàn bộ P.Nghĩa Tân cùng một phần các phường Cổ Nhuế 1, Mai Dịch, Nghĩa Đô cũ, Xuân La, Xuân Tảo, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu và Quan Hoa (Q.Cầu Giấy cũ). Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ P.Quan Hoa cũ) cho biết, sáng 1.7 khi đến trụ sở P.Nghĩa Đô đã được hướng dẫn rất tận tình về quy trình giải quyết thủ tục. "Các cán bộ xử lý hồ sơ của tôi rất nhanh. Tôi chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn tất các thủ tục", chị Hà nói. |
Theo Nguyễn Trường - Tuấn Minh/Thanh niên
https://thanhnien.vn/phai-lam-viec-voi-tu-duy-moi-18525070123290017.htm