Một bẫy lừa được kẻ xấu giăng ra với thủ đoạn tinh vi, khiến nhiều người tham gia một cuộc thi viết trở thành nạn nhân.
Bẫy lừa "tấn công" cuộc thi văn chương
Theo đó, cuộc thi "Viết chữa lành" do Công ty Cổ phần BOOKAS (TP.HCM) tổ chức đã thu hút được sự chú ý của người mê viết trong thời gian qua. Tuy nhiên, mới đây, những kẻ xấu đã lợi dụng sức hút của cuộc thi này để giăng bẫy lừa nhằm trục lợi.
Nhà văn Tống Phước Bảo, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, thông tin: "Cuộc thi này đã bị một nhóm lừa đảo lợi dụng để lừa gạt người dự thi chuyển tiền cho chúng. Đây là lần đầu tiên, một cuộc thi văn chương vướng vào vụ này".
"Nhóm lừa đảo tạo ra một fanpage lấy tên cuộc thi. Từ đó, lừa những người tham gia vào một nhóm Zalo. Bằng thủ pháp chuyên nghiệp, chúng bắt người tham gia trả lời 3 câu hỏi. Bước này là bước lấy niềm tin, để người tham gia nghĩ họ thực sự đã vào nhóm chính thống của cuộc thi. Tiếp theo chúng bắt mọi người tham gia "kết nối" chuyển tiền làm từ thiện. Số tiền là 680.000 đồng, với hứa hẹn sẽ được hoàn trả sau đó. Với thủ đoạn này, hiện đã rất nhiều người tham gia cuộc thi bị những kẻ xấu lừa gạt tiền", nhà văn Tống Phước Bảo cho hay.
Nhiều người đã chuyển tiền, sau đó phát hiện đã sập bẫy lừa ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Ông Vy Thiên Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOOKAS, cho biết vào ngày 4.7 vừa qua, đã làm đơn tố cáo hành vi sử dụng công nghệ cao để mạo danh chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội, gửi đến Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ông Hùng cho biết: "Một số đối tượng xấu đã lợi dụng cuộc thi để thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả mạo fanpage, giả danh ban tổ chức và yêu cầu người tham gia chuyển khoản. Chỉ sau chưa đầy một tháng triển khai, chúng tôi đã phát hiện fanpage và tài khoản mạo danh cuộc thi với các dấu hiệu tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, tinh vi".
Cũng theo ông Hùng: "Sau khi tạo fanpage mạo danh, kẻ lừa đã nhắn tin trực tiếp cho thí sinh, tự nhận là ban tổ chức hoặc thành viên điều phối, yêu cầu người tham gia chuyển khoản các khoản tiền phi lý như: 680.000 đồng để "ủng hộ từ thiện" hoặc "xác nhận tư cách thí sinh", 2.980.000 đồng để "hoàn tất hồ sơ" hoặc "nhận giải vòng sơ khảo". Bên cạnh đó còn dẫn dụ người dùng bằng cách hoàn trả khoản đầu tiên để tạo lòng tin, sau đó tiếp tục yêu cầu chuyển tiền. Đã có nhiều nạn nhân chuyển khoản, mất tiền triệu cho đến chục triệu đồng. Họ chỉ phát hiện bị lừa khi không thể liên hệ lại với kẻ lừa".
Nhà văn Tống Phước Bảo cũng khẳng định: "Cuộc thi "Viết chữa lành" không tổ chức thu tiền gì của người tham gia. Mọi hành vi kêu gọi thu tiền đều là lừa đảo. Mọi người lưu ý để tránh bị mất tiền oan".
Kẻ lừa nhắn tin cho nạn nhân, hướng dẫn cách để chuyển tiền ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Tuyệt đối không chuyển tiền, nạp tiền theo yêu cầu của người lạ
Anh Đặng Minh Tiến, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, cho biết chiêu lừa này đã khiến nhiều người sập bẫy suốt thời gian dài vừa qua.
"Kẻ lừa đã tạo ra hàng loạt tài khoản Facebook giả danh tổ chức uy tín, đăng bài tuyển sinh khóa học, quảng cáo các chương trình học thể thao, khóa học trải nghiệm, trại hè hướng nghiệp… với lời mời gọi hấp dẫn, chi phí hợp lý, nhiều quà tặng nhưng thực chất là bẫy lừa đảo tinh vi, có tổ chức. Kẻ lừa tiếp tục lôi kéo phụ huynh tham gia bằng hình thức "làm nhiệm vụ", "thanh toán đơn hàng", "đầu tư hoàn tiền"… để nhận ưu đãi hoặc chỗ học cho con. Sau khi tạo được sự tin tưởng, các đối tượng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyển số tiền lớn, rồi thông báo đơn hàng, nhiệm vụ bị lỗi trong quá trình thực hiện và yêu cầu bị hại thực hiện lại, hoặc các nhiệm vụ khác để khắc phục lỗi, rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà nạn nhân đã chuyển. Và câu chuyện những người tham gia cuộc thi viết bị dẫn dụ đóng tiền làm từ thiện, với hứa hẹn sẽ trả lại, là một biến tấu khác của chiêu lừa này", anh Tiến nói.
Theo anh Tiến, để tránh sập bẫy thủ đoạn lừa đảo này, mọi người cẩn thận lưu ý. Cần phải xác minh rõ ràng đơn vị tổ chức, chỉ tin tưởng khi thông tin được đăng tải trên website chính thức, địa chỉ, số điện thoại rõ ràng. Tuyệt đối không làm việc qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...) hoặc qua trung gian không rõ danh tính.
"Tuyệt đối không chuyển tiền, nạp tiền theo yêu cầu của người lạ. Cảnh giác với thông tin quá hấp dẫn, ưu đãi bất thường. Cảnh với những yêu cầu nạp tiền để "mở khóa", "làm nhiệm vụ tiếp theo", "tăng cấp để rút tiền" đều với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt thêm tiền của bị hại. Đừng tin vào những hình ảnh chuyển khoản, sao kê, hoặc lời hứa "rút tiền được" hay "hoàn trả tiền" từ các nhóm. Và khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định", anh Tiến hướng dẫn.
Theo Thanh Nam/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhieu-nguoi-me-viet-sap-bay-lua-mat-tien-trieu-185250708152801822.htm