Từng giảm sức hút sau những quy định từ Bộ GD-ĐT như tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc hay được quy đổi điểm 10 thi tốt nghiệp, IELTS bất ngờ thu hút nhiều sự quan tâm trở lại khi đề tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT được cho là quá khó.
Ngay sau khi kết thúc buổi thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT năm 2025, không ít thí sinh (TS) than dù có điểm IELTS cao vẫn không thể làm tốt bài thi. Trên các trang mạng xã hội, từ khóa "IELTS" cũng nhận về nhiều lượt thảo luận khi một số tài khoản so sánh đề thi tốt nghiệp THPT "khó ngang ngửa" IELTS, nhất là phần bài đọc, và cho rằng nếu chỉ học trên trường thì không thể làm tốt đề thi này.
THÊM PHƯƠNG ÁN DỰ PHÒNG
Chị Nguyễn Diệu Thúy, phụ huynh của một học sinh (HS) năm nay lên lớp 12 ở TP.HCM mới (gồm TP.HCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương cũ), kể chị đã phải tất tả tìm hiểu những khóa luyện thi IELTS trong tuần qua sau khi biết rằng "không còn dễ lấy điểm 10 môn tiếng Anh như trước". "Tôi xem như cho con đi học thêm, vừa chuẩn bị cho kỳ thi năm sau vừa có thêm phương án dự phòng để nộp hồ sơ xét tuyển ĐH", chị Thúy nói.
Thí sinh thi thử IELTS. Ở một số trung tâm ngoại ngữ, số học viên đăng ký học IELTS thời gian này tăng so với cùng kỳ năm trước
Trả lời Thanh Niên, đại diện IDP VN - một trong hai đơn vị đồng tổ chức thi IELTS tại VN - tuy không đề cập cụ thể số lượng TS đăng ký thi IELTS tại VN trong thời gian qua, nhưng cho biết xu hướng TS VN lựa chọn thi IELTS trên máy tính "gia tăng rõ rệt" trong vài năm gần đây. "Riêng trong năm qua, chúng tôi đã mở mới 7 phòng thi máy tính, nâng tổng số lên 25 địa điểm được cấp phép chính thức", người này thông tin.
Chị Thúy kể thêm dù thường xuyên đạt điểm cao môn tiếng Anh trên lớp, con chị vẫn "trầy trật" khi thử làm đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 và chỉ chắc đạt khoảng 6 - 7 điểm. Với mức này, con chị không tự tin cạnh tranh vào các ngành liên quan đến công nghệ thông tin so với những thí sinh (TS) thi các khối không có tiếng Anh. "Thay vì cầu mong đề dễ hơn thì tôi và con quyết định chủ động trước", phụ huynh này tâm sự.
Hiện con chị Thúy đang chuẩn bị thi đầu vào để xếp lớp ở một hệ thống có nhiều trung tâm tại TP.HCM. Chị ước tính phải đóng hơn 10 triệu đồng học phí, nhưng con được cam kết đạt từ IELTS 6.0 trở lên.
Trong khi đó, Nguyễn Quốc Minh Khang, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), bộc bạch độ khó đề thi tiếng Anh giúp em thêm an tâm hơn với quyết định học IELTS của mình. "IELTS thiên về kỹ năng, vận dụng hơn môn tiếng Anh trong trường phổ thông vốn thường quá chú trọng lý thuyết. Em chọn thi IELTS để xét tuyển ĐH trong, ngoài nước. Nó giúp em bớt áp lực hơn", TS nhắm tới IELTS 7.5 chia sẻ.
TĂNG DẦN SỰ QUAN TÂM
Trường hợp của chị Diệu Thúy hoặc Minh Khang không phải cá biệt. Trong tuần qua, một số trung tâm IELTS cho biết đã có nhiều phụ huynh, HS liên hệ để được tư vấn về chương trình học. "Sự phổ biến của bài thi IELTS đang quay trở lại dù chưa đạt mốc như lúc trước", bà Nguyễn Trình Hạnh Phúc, Tổng giám đốc Hệ thống Anh ngữ IELTS Vietop tại TP.HCM, chia sẻ.
Bà Phúc phân tích đề thi tốt nghiệp THPT năm nay thiên về ứng dụng nhiều hơn chứ không còn đặt nặng quy tắc ngữ pháp như trước, với sự xuất hiện của các nhóm câu hỏi về sắp lại thứ tự hội thoại, đoán nghĩa từ mới lẫn kiểm tra từ vựng, "đặc biệt là các câu hỏi theo đoạn văn có nhiều phần giống bài thi nói IELTS và cũng có nhiều điểm tương tự bài thi viết như phát triển ý tưởng trong đoạn văn học thuật, cách sử dụng từ nối".
"Vì thế các bạn đã học qua IELTS sẽ có lợi thế hơn một chút", bà Phúc nhận định và nói thêm: "Đây là hướng đi (của bài thi tốt nghiệp THPT - PV) nên có vì xu hướng mới của giáo dục ngôn ngữ đang dần đi về hướng chú trọng giao tiếp ứng dụng hơn là thuần túy học thuộc quy tắc ngữ pháp".
Tại TP.Đà Nẵng (gồm TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũ), ông Lê Huỳnh Đức, Giám đốc Trung tâm IELTS Huỳnh Đức, thông tin trong nửa tháng trở lại đây, số học viên đăng ký tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhóm ở THPT. Điều này đến từ một số nguyên nhân, như thời gian nghỉ hè thuận lợi để HS tăng tốc học tiếng Anh, nhiều ĐH lớn cộng điểm chứng chỉ tiếng Anh vào tổng điểm xét tuyển và nhiều HS coi IELTS là phương án dự phòng an toàn cho các hình thức xét tuyển kết hợp với SAT, ACT, học bạ...
"Đặc biệt, đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay có độ phân hóa cao, khiến nhiều phụ huynh, HS thấy rủi ro, muốn có phương án thay thế đáng tin cậy", ông Đức nhấn mạnh, và cho biết chi phí luyện thi IELTS hiện vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập ở một số khu vực. Chưa kể, lệ phí một lần thi IELTS là 4.664.000 đồng cũng được cho là khá cao so với một số bài thi khác cũng được công nhận như TOEIC, TOEFL hay Aptis.
Trước đó, khi IELTS không còn được quy đổi sang điểm 10 xét tốt nghiệp và tiếng Anh không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc theo quy định của Bộ GD-ĐT, sự quan tâm với kỳ thi IELTS "phần nào giảm sút", theo ông Đức. "Nhiều HS tạm gác việc ôn thi IELTS để tập trung hoàn toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT", ông nói.
Sự "hạ nhiệt" của những chứng chỉ ngoại ngữ trong thời gian qua, nhất là IELTS cũng từng được phản ánh trước đó. Cụ thể, theo số liệu từ Sở GD-ĐT TP.HCM (cũ), trong năm 2025 chỉ có 1.724 HS lớp 12 nộp chứng chỉ để được miễn thi môn ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh. Con số này giảm mạnh và chỉ bằng 1/7 so với năm ngoái (13.076 em). Đây cũng là con số thấp nhất trong 4 năm qua.
Học viên ôn tập bài thi IELTS trên máy tính
ẢNH HƯỞNG NHIỀU ĐẾN MỤC TIÊU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỚI
Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Willy A.Renandya, giảng viên cao cấp Viện Giáo dục quốc gia (NIE) thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định việc HS tìm đến các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thay vì chỉ học tiếng Anh trên trường có cả ưu lẫn nhược điểm. Điểm cộng là khi đặt mục tiêu chinh phục những chứng chỉ quốc tế, HS sẽ cảm thấy cần phải tiếp tục trau dồi trình độ tiếng Anh của mình.
Tuy nhiên, IELTS và TOEFL "không phải là những bài kiểm tra tốt nhất" nếu TS chỉ muốn biết liệu mình có thể nói, viết tiếng Anh cho các mục đích giao tiếp thông thường hay không, theo tiến sĩ Renandya. "Bài thi này chỉ cần thiết nếu các em muốn đi du học ở một quốc gia mà tiếng Anh đang được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy. Còn không thì HS không nhất thiết phải thi bất kỳ bài thi nào như IELTS", ông chia sẻ.
Một điểm trừ khác là những bài thi nêu trên "rất đắt đỏ", theo tiến sĩ Renandya. Do đó, ông cũng khuyến nghị VN nên tự xây dựng, phát triển một bài thi tiếng Anh nội địa nhằm đánh giá năng lực người học theo Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu (CEFR). "Điều này sẽ hữu ích hơn cho số đông", ông nhận định.
Chi phí luyện thi IELTS hiện vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập ở một số khu vực
Trong khi đó, PGS-TS Lê Văn Canh, chuyên gia đầu ngành về giảng dạy tiếng Anh tại VN, nhận định việc HS chuyển hướng sang học các chứng chỉ ngoại ngữ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới). "Sẽ rất đáng báo động nếu HS không thích học chương trình tiếng Anh phổ thông nữa", thầy Canh chia sẻ.
Theo thầy Canh, trong quá trình chờ điểm thi tốt nghiệp THPT, việc nhà trường và thầy cô cần làm là động viên TS, phụ huynh. Sau khi có kết quả thi chính thức, giáo viên có thể từ đó xem lại phương pháp sư phạm của mình và có những điều chỉnh cần thiết nếu cần nhằm tăng sự hứng thú của học trò khi học tiếng Anh.
"Theo tôi, câu chuyện khó nhất với điều kiện của VN hiện nay là làm sao cho HS thích học tiếng Anh trước đã, kết quả học tập như thế nào thì chưa bàn đến vội. Khi các em yêu thích tiếng Anh thì các mục tiêu chúng ta đặt ra sẽ thực hiện dễ dàng. Tuy vậy, nếu từ cách dạy đến tổ chức thi cử làm các em chán nản, mất động lực học thì tất cả mọi cố gắng sẽ không mang về kết quả như mong đợi", PGS-TS Lê Văn Canh phân tích.
Theo Ngọc Long/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/ielts-tang-nhiet-sau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-185250706184825457.htm