Năm 2025, mức thu học phí các trường đại học cao hơn năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng qua từng năm theo lộ trình.
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Học phí là một trong những yếu tố để thí sinh cân nhắc chọn trường phù hợp với năng lực tài chính của gia đình. Thông tin mức thu học phí được các trường công bố trong đề án tuyển sinh hằng năm, theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Học phí tiếp tục tăng ra sao?
Hiện nay các trường đại học công lập thu học phí theo quy định của nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Học phí từ năm học 2025-2026 đến năm học 2026-2027 với mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (mời xem bảng).
Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố học phí trung bình dự kiến (chương trình tiêu chuẩn) 30 triệu đồng/năm học (2025-2026), các năm sau tăng 1,5 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến, dạy và học bằng tiếng Anh học phí 80 triệu đồng/năm.
Trường thu học phí theo học kỳ, tối đa 18 tín chỉ/học kỳ. Phần tín chỉ vượt được tính theo đơn giá tín chỉ. Một năm học có hai học kỳ chính. Học phí các học kỳ phụ (nếu sinh viên có nhu cầu học) thu theo đơn giá tín chỉ.
ThS Nguyễn Thảo Chi, trưởng phòng truyền thông và quản lý sự kiện Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết: "Trường áp dụng phương pháp tính học phí theo tín chỉ, bắt đầu từ năm học 2025-2026, theo công thức: Học phí = Số tín chỉ quy đổi × Đơn giá học phí/tín chỉ.
Mức học phí được xác định dựa trên số tín chỉ mà sinh viên đăng ký học. Mức học phí năm học 2025-2026 dao động từ 14,459 triệu đồng - 33,8 triệu đồng/năm. Theo lộ trình, học phí có thể được điều chỉnh hằng năm nhưng không vượt quá 15% so với năm liền trước."
Học phí khóa tuyển sinh năm 2025 Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) với hai chương trình có sự chênh lệch lớn: chương trình dạy và học bằng tiếng Việt có mức thu toàn khóa là 151 triệu đồng (31,5 triệu đồng/năm học), chương trình dạy và học bằng tiếng Anh toàn khóa 315 triệu đồng.
Trường thu học phí mỗi khóa tám đợt (2 lần/năm học và mức thu năm sau cao hơn năm trước 4-5 triệu đồng).
Theo ThS Hoàng Thanh Tú - phó phòng thông tin - truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), học phí dự kiến khóa tuyển sinh 2025 trong năm đầu tiên dao động từ 28,4 - 67 triệu đồng/năm tùy ngành học và chương trình đào tạo.
Trong đó ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có mức học phí cao nhất. Lộ trình tăng học phí từng năm từ 4-7 triệu đồng/năm (tùy ngành).
Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) học phí chương trình đại trà 40 triệu đồng/năm học; các chương trình khác từ 55 - 140 triệu đồng/năm học.
Trường đại học Khoa học sức khỏe (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến mức thu học phí năm học 2025-2026: ngành y khoa 70 triệu đồng; răng - hàm - mặt: 62,2 triệu đồng; dược học, y học cổ truyền: 55,2 triệu đồng; điều dưỡng: 41,8 triệu đồng/ năm học.
Phụ huynh cùng con tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các trường tốp đầu học phí khủng
Trường Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2025: ngành răng hàm mặt 84,7 triệu đồng; y khoa 82,2 triệu đồng; dược học 60,5 triệu đồng; y học cổ truyền, y học dự phòng 50 triệu đồng; các ngành y tế công cộng, điều dưỡng, gây mê hồi sức, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng 46 triệu đồng/năm học.
"Năm 2025 sẽ đánh giá, tính toán và xây dựng lộ trình học phí mới cho giai đoạn tiếp theo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến tăng nhưng nhiều khả năng mức tăng không nhiều so với mức hiện tại", đại diện nhà trường cho biết.
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức học phí dự kiến năm học 2025-2026 với hai mức 55,2 triệu đồng/năm (các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược học, y học cổ truyền); các ngành khối cử nhân 41,8 triệu đồng/năm. Lộ trình dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Trường đại học Luật TP.HCM công bố mức học phí dự kiến các ngành năm học 2025- 2026: 39,75 triệu đồng/năm học (ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh); 47,17 triệu đồng (quản trị - luật); 54,93 triệu đồng (ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý) 79,5 triệu đồng (luật, quản trị kinh doanh - chất lượng cao); 94,34 triệu đồng (quản trị - luật - chất lượng cao) 199,7 triệu đồng (luật, giảng dạy bằng tiếng Anh - chất lượng cao).
Đến năm học 2026-2027 học phí các ngành tiếp tục tăng với mức thu từ 44,75 triệu đồng đến 219,7 triệu đồng.
Trong khi Đại học Kinh tế TP.HCM (đào tạo tại TP.HCM) năm học 2025-2026 thống nhất một mức học phí cho các học phần trong một nhóm theo phân loại: chương trình tiên tiến quốc tế: tiếng Việt: 1,065 triệu đồng/tín chỉ; tiếng Anh: x 1,4; thực hành: x 1,2; chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW): tiếng Việt: 1,065 triệu đồng/tín chỉ; tiếng Anh: 1,685 triệu đồng/tín chỉ; chương trình tiên tiến: tiếng Việt: 975.000 đồng/tín chỉ; tiếng Anh: x 1,4; thực hành: x 1,2; cử nhân tài năng: tiếng Việt: 975.000 đồng/tín chỉ; tiếng Anh: 1,685 triệu đồng/tín chỉ; Asean Coop: tiếng Việt: 975.000 đồng/tín chỉ; tiếng Anh: 1,685 triệu đồng/tín chỉ; Mode Coop: 3,290 triệu đồng/tín chỉ. Lộ trình tăng học phí mỗi năm (tăng không quá 10%/năm).
Năm 2025, Trường đại học Ngoại thương dự kiến thu học phí chương trình chuẩn từ 25,5 - 27,5 triệu đồng/năm (năm ngoái 22 - 25 triệu đồng/năm); chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh 31,5 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao 49 - 51 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến kinh tế đối ngoại - quản trị kinh doanh - tài chính ngân hàng 73 - 75 triệu đồng/năm...
Đơn vị: nghìn đồng/sinh viên/tháng
Trường tư: từ 20 đến 180 triệu đồng/năm Trong khi các trường đại học tư thục được tự xác định mức thu học phí. Năm học trước học phí các trường tư thục cũng có nhiều mức khác nhau, từ khoảng 20- 180 triệu đồng/năm học. Bên cạnh đó cũng có trường mức học phí khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm học (3-4 học kỳ/năm học). Đặc biệt học phí các ngành sức khỏe của trường tư thục cũng ở mức cao, riêng ngành răng - hàm - mặt có trường thu trên 180 triệu đồng/năm học. |
Học bổng cho sinh viên khó khăn Các trường đang và sẽ áp dụng cơ chế tự chủ đều có mức học phí tăng mạnh. Đến nay đã có nhiều trường đại học công lập tự chủ có mức học phí cao. Theo lãnh đạo các trường này, khi áp dụng mức học phí mới sau tự chủ, các trường đều trích 10-15% tổng thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời các trường trên cho biết nếu sinh viên nào thực sự khó khăn đều sẽ được nhà trường hỗ trợ học phí ngay trong năm đầu tiên. Những năm tiếp theo không phải tất cả sinh viên diện này hiển nhiên được trường hỗ trợ tiếp mà sẽ được xét trao học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng khác. Sinh viên phải chứng tỏ được mình nghèo nhưng vượt khó học giỏi mới được nhà trường hỗ trợ. |
Theo Trần Huỳnh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hoc-phi-dai-hoc-nam-2025-se-cao-hon-nam-ngoai-bao-nhieu-20250706231303557.htm