Khi hạn chót 9-7 đến gần, các cuộc đàm phán thương mại giữa các nước, vùng lãnh thổ với chính quyền Tổng thống Trump cũng bước vào giai đoạn nước rút.
Tổng thống Trump cho biết chính quyền Washington từ ngày 4-7 bắt đầu gửi đi những lá thư thông báo mức thuế các nước phải chịu - Ảnh: REUTERS
Các mức thuế này vốn được công bố từ tháng 4, với lý do Nhà Trắng cho rằng quan hệ thương mại hiện nay thiếu sự "có đi có lại", khiến nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chính quyền Washington sau đó đã tạm thời hạ mức thuế xuống 10% cho phần lớn các nước để tạo cơ hội đàm phán kéo dài đến ngày 9-7, thời điểm Mỹ sẽ áp thuế đối ứng lên hàng hóa từ hàng trăm nền kinh tế trên khắp thế giới.
Dưới đây là tình hình đàm phán thuế quan giữa các nước với Mỹ, được Hãng tin AFP tổng hợp vào ngày 4-7.
EU: Sẵn sàng cho một thỏa thuận
Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẵn sàng đạt được một thỏa thuận trước ngày 9-7, khi mức thuế của Mỹ với hàng hóa EU dự kiến có thể tăng từ 10% lên 20% - thậm chí có thể lên tới 50% như lời ông Trump đe dọa trước đó.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang hướng tới một "thỏa thuận trên nguyên tắc" để ngăn mức thuế mới có hiệu lực.
Nhật Bản: Đối mặt rủi ro do gạo và ô tô
Dù là đồng minh thân cận, Nhật Bản vẫn chưa chắc chắn có thể thoát mức thuế quan mới (24%) từ Mỹ. Tổng thống Trump đã nhiều lần phàn nàn về việc Nhật không mở cửa thêm cho gạo và xe hơi Mỹ.
"Tôi không chắc liệu chúng tôi có đạt được thỏa thuận hay không", ông Trump nói, đồng thời cảnh báo rằng Nhật Bản có thể phải đối mặt với mức thuế 30%, 35% hoặc bất kỳ mức nào mà Mỹ quyết định.
Đặc phái viên thương mại của Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, đã thực hiện liên tục tám chuyến công du đến Washington để đàm phán.
Ấn Độ: Ở vị thế thuận lợi
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ấn Độ diễn ra tích cực trong nhiều tuần, với khả năng đạt được một "thỏa thuận rất lớn" như ông Trump tiết lộ cuối tháng 6, giúp New Delhi tránh được mức thuế 26%.
Ông Ajay Sahai, tổng giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, nói các phản hồi ông nhận được "cho thấy tín hiệu tích cực" trong quá trình đàm phán thương mại giữa hai nước. Dù vậy, ông vẫn nhấn mạnh tình hình sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết nông nghiệp và sản phẩm sữa là "lằn ranh đỏ rất lớn" trong quá trình thương lượng thuế quan giữa hai nước.
Hàn Quốc: Hy vọng dè dặt
Hàn Quốc, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thuế Mỹ đối với thép và ô tô, muốn tránh bị áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng xuất khẩu khác.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung cho biết chưa thể chắc chắn đạt thỏa thuận với Mỹ trước ngày 8-7. Ông nhận định việc hai quốc gia hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu có thể trở thành một "con bài mặc cả", nhưng hai bên vẫn chưa xác định rõ các yêu cầu cụ thể.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han Koo sẽ lên đường đến Mỹ vào ngày 4-7 để tiếp tục đàm phán thuế quan, chỉ vài ngày trước thời hạn áp thuế - Ảnh: YONHAP
Đài Loan, Indonesia, Thái Lan: Theo dõi sát tình hình
Đài Loan, một trong những đối tác an ninh quan trọng của Washington, có thể đối mặt với mức thuế 32% nếu không đạt được thỏa thuận thương mại nào.
Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim), đại diện Đài Loan, cho biết các đoàn đàm phán hai bên đang tích cực tìm giải pháp.
Trong khi đó, Indonesia thể hiện thiện chí bằng cách cam kết tăng nhập khẩu năng lượng và nông sản Mỹ nhằm tránh mức thuế 32%.
Thái Lan và Campuchia, hai quốc chịu mức thuế cao "ngất ngưỡng", lần lượt 36% và 49%, cũng đang chờ động thái từ Washington.
Nguồn tin từ Bộ Tài chính Thái Lan cho biết phía Mỹ đã gửi cho Bangkok đề xuất cắt phân nửa thuế đối ứng xuống còn 18%, nhưng Bangkok vẫn muốn đàm phán thêm với mục tiêu đưa mức thuế về 10%.
Thụy Sĩ: Hy vọng được hoãn thuế
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết phía Mỹ đã ghi nhận rằng Thụy Sĩ đang đàm phán thiện chí, và họ kỳ vọng mức thuế hiện tại là 10% sẽ được giữ nguyên sau ngày 9-7.
Tuy nhiên, nếu ông Trump không đưa ra quyết định trước hạn chót, Thụy Sĩ không loại trừ khả năng mức thuế có thể bị tăng lên 31% như đã cảnh báo trước đó.
Ông Trump: Mỹ sẽ gửi thư thông báo mức thuế cho từng quốc gia Hãng tin Reuters cho biết chính quyền Washington bắt đầu gửi thư đến các quốc gia từ ngày 4-7, thông báo cụ thể mức thuế mà họ sẽ phải chịu khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Đây là một bước chuyển rõ rệt so với cam kết trước đó của ông về việc ký hàng loạt thỏa thuận song phương. Phát biểu với báo giới trước khi lên đường đến Iowa vào hôm 3-7, ông Trump thừa nhận rằng việc đàm phán với hơn 170 quốc gia là quá trình rất phức tạp. Ông cho biết từ 10 đến 12 quốc gia sẽ nhận được thư vào ngày 4-7, thông báo chính thức mức thuế mà các nước này phải chịu sau thời gian đàm phán kéo dài. |
Theo Hà Đào/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cac-nuoc-chay-dua-dam-phan-thue-quan-voi-my-thai-lan-muon-dua-muc-thue-xuong-10-20250704115727459.htm