Ước tính năm nay có 3,4 tỉ người sống ở các quốc gia trả lãi nợ nhiều hơn chi tiêu cho y tế hoặc giáo dục
Lãnh đạo và đại diện nhiều quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Tài chính cho phát triển (FfD4) tại TP Seville - Tây Ban Nha từ ngày 30-6 đến 3-7. Theo AP, hội nghị này nhằm giải quyết khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các nước giàu và nghèo, đồng thời tìm cách huy động hàng ngàn tỉ USD cần thiết để thu hẹp khoảng cách này.
Liên hợp quốc (LHQ) cho biết thế giới hiện cần thêm 4.000 tỉ USD mỗi năm để giải quyết những thách thức lớn nhất hiện nay - xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và thu hẹp bất bình đẳng. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới, hơn 800 triệu người trên thế giới đang sống với chưa đến 3 USD/ngày, trong đó tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng đáng kể tại khu vực cận Sahara châu Phi.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt gánh nặng nợ công gia tăng, đầu tư giảm, viện trợ quốc tế suy yếu và rào cản thương mại ngày càng nhiều. LHQ và nước chủ nhà Tây Ban Nha xem đây là cơ hội để thu hẹp khoảng cách tài chính khổng lồ để thúc đẩy phát triển, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và đạt được các "Mục tiêu phát triển bền vững" của LHQ đến năm 2030, vốn đang bị tụt lại nghiêm trọng.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed nhấn mạnh bất chấp những khó khăn và căng thẳng địa chính trị tăng cao, vẫn có hy vọng rằng thế giới có thể giải quyết được một trong những thách thức toàn cầu quan trọng nhất - đó là bảo đảm người dân được tiếp cận lương thực, chăm sóc y tế, giáo dục và nước sạch. "Hội nghị này là lời kêu gọi hành động và chúng ta có cơ hội đặc biệt để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ nhằm bảo vệ cam kết của cộng đồng quốc tế đối với chủ nghĩa đa phương" - Đại sứ Tây Ban Nha tại LHQ Hector Gomez Hernandez khẳng định.
Các lãnh đạo tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Tài chính cho phát triển (FfD4) tại TP Seville - Tây Ban Nha ngày 30-6 Ảnh: AP
Tại cuộc họp chuẩn bị cuối cùng ngày 17-6, Mỹ đã bác bỏ văn kiện dài 38 trang được đàm phán trong nhiều tháng bởi 193 quốc gia thành viên LHQ và tuyên bố rút khỏi tiến trình này cũng như hội nghị ở Seville. Các quốc gia còn lại sau đó đã đồng thuận thông qua và gửi đến hội nghị, nơi văn kiện dự kiến được thông qua mà không có sửa đổi gì.
Văn kiện gọi là "Cam kết Seville" này nêu rõ các nhà lãnh đạo và đại diện cấp cao quyết định khởi động gói cải cách và hành động đầy tham vọng nhằm khẩn trương thu hẹp khoảng cách tài chính, hiện ước tính lên đến 4.000 tỉ USD/năm. Văn kiện đề cập nhiều đề xuất và hành động, như kêu gọi mức thu thuế tối thiểu bằng 15% GDP nhằm tăng nguồn lực cho chính phủ, tăng gấp 3 lần mức cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương, tăng cường huy động nguồn tài chính tư nhân bằng cách đưa ra các ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu như cơ sở hạ tầng…
Văn kiện cũng đề xuất nhiều cải cách để giúp các quốc gia đối phó tình trạng nợ công gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng nợ toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Tổ chức Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD), cho biết năm ngoái có 3,3 tỉ người sống ở các quốc gia trả lãi nợ nhiều hơn chi tiêu cho y tế hoặc giáo dục. Theo bà Grynspan, con số này dự kiến tăng lên 3,4 tỉ người trong năm nay. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển sẽ phải chi 947 tỉ USD để trả nợ trong năm nay, so với mức 847 tỉ USD năm ngoái.
Ba ưu tiên hàng đầu Hội nghị năm nay đón hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới cùng với hàng ngàn đại biểu đến từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng phát triển, tổ chức từ thiện… Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định thế giới cần những "ý tưởng lớn" và "cải cách táo bạo" mới có thể đưa tiến trình xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng trở lại đúng hướng. "Hội nghị là cơ hội hiếm có để cải tổ một hệ thống tài chính quốc tế đã lỗi thời, hoạt động kém hiệu quả và thiếu công bằng" - ông Guterres nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh 3 ưu tiên hàng đầu là giải quyết gánh nặng nợ không bền vững, củng cố vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và khai mở các nguồn tài chính bền vững mới. Ông cũng kêu gọi huy động thêm nguồn lực trong nước, áp dụng các giải pháp tài chính sáng tạo, kiểm soát tốt hơn các dòng tiền bất hợp pháp và tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân. Việc Mỹ không cử phái đoàn đến hội nghị khiến nỗ lực tìm nguồn tài trợ trở nên khó khăn. Các nhà tài trợ phương Tây khác cũng đã cắt giảm viện trợ quốc tế. Bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký LHQ, nhận định sự vắng mặt của Mỹ là điều "đáng tiếc", đồng thời nhấn mạnh "nhiều khuyến nghị nêu ra không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia liên tục của Mỹ". Quan chức này cho biết thêm sau hội nghị tại Seville, LHQ sẽ tiếp tục trao đổi với Mỹ và hy vọng có thể thuyết phục nước này trở thành một phần trong nỗ lực giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Hoàng Phương |
Theo Xuân Mai/NLĐO
https://nld.com.vn/khan-truong-thu-hep-khoang-cach-tai-chinh-196250630224340454.htm