Nỗ lực khai phá những điểm đến, sản phẩm mới đã giúp xuất khẩu nông thủy sản VN vượt qua những biến động của thị trường thế giới, đạt mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm.
Những "mỏ vàng" mới
Một cái tên đang gây nhiều chú ý trên bản đồ xuất khẩu thủy sản VN những tháng qua là Lithuania. Đây là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 12 trong khu vực EU và VN là nguồn cung lớn thứ 6. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết: Ở thị trường này, tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng cá ngừ từ mức 229.000 USD năm 2021 đã tăng tới 16 triệu USD năm 2024, tương đương mức tăng tới 69 lần. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch đạt 8 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Mỗi năm Lithuania nhập khẩu thủy sản khoảng 650 triệu USD nhưng quan trọng hơn, thị trường này còn là cửa ngõ vào khu vực Trung Đông Âu. Vì vậy, trong những năm gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang nỗ lực khai phá thị trường Lithuania.
Xuất khẩu nông thủy sản tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2025 Ảnh: Thế Quang
Thị trường Halal (các nước Hồi giáo) cũng đang là đích đến đầy tiềm năng cho doanh nghiệp VN. Theo VASEP, hiện nay, hơn 2 tỉ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 25% dân số thế giới. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, tiêu thụ hơn 63% sản phẩm Halal toàn cầu. Với vị trí chiến lược, VN được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường rộng lớn này. Thực tế, xuất khẩu cá ngừ của VN sang các thị trường Halal tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, xuất khẩu vào khối này từ 83 triệu USD vào năm 2021 đã tăng 35% lên 113 triệu USD năm 2024. Các thị trường có mức tăng mạnh như Malaysia tăng 36%, Brunei tăng 24%. Mặc dù có những bất ổn về địa chính trị nhưng thị trường Trung Đông vẫn được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng với mặt cá ngừ.
Số liệu của Bộ NN-MT cũng cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu của ngành thủy sản VN với châu Phi tăng mạnh nhất, tới 99,5% còn châu Âu tăng 46% và châu Mỹ tăng 19%...
Đáng chú ý, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Brazil Lula da Silva hôm 5.7 (giờ địa phương), hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những kết quả rất tích cực và cụ thể trong mở cửa thị trường nông sản hai nước. Dù những con số cụ thể về lượng hàng hóa chưa được đề cập nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là những bước đi đầu tiên cho sự tăng cường hợp tác, giao lưu thương mại giữa hai nước, mở ra nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng thương mại song phương trong tương lai.
Tăng cường sản phẩm mới, phân khúc mới
Số liệu thống kê cũng tương thích với nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh thách thức thuế quan đang bủa vây thị trường thế giới. Đơn cử với mặt hàng gạo, từ cuối năm 2024 khi Ấn Độ mở kho, đầu năm 2025 Indonesia tạm ngưng nhập khẩu, còn Philippines và Malaysia giảm nhập khiến giá gạo trên thị trường thế giới lao dốc. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp VN tăng cường chuyển hướng sang các nước châu Phi. Với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, lượng gạo xuất khẩu của VN sang các nước châu Phi đã tăng mạnh. So với cùng kỳ năm trước, Bờ Biển Ngà tăng tới 89% và trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của VN chỉ sau Philippines. Bên cạnh đó là Ghana tăng 61%, đứng thứ 3. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sự gia tăng dân số và diễn biến thời tiết bất lợi vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu nhằm mở rộng thị trường Ảnh: Chí Nhân
Tương tự, với cà phê, xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay ước đạt tới 5,7 tỉ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường truyền thống ở châu Âu vẫn tiếp tục tăng nhập khẩu cà phê VN so với cùng kỳ năm trước như Đức tăng 2,2 lần, Ý tăng 45% và Tây Ban Nha tăng tới 56%. Đáng chú ý hơn khi một quốc gia ở châu Mỹ là Mexico tăng nhập cà phê VN đến 72 lần. Theo các chuyên gia, Mexico rất gần với các nước Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, vốn được mệnh danh là cái nôi của cà phê thế giới. Thế nhưng nước này lại tăng nhập cà phê VN cho thấy cà phê Việt có thể xâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường thế giới.
Quan trọng hơn, thay vì xuất khẩu thô, các doanh nghiệp Việt đã mạnh dạn đầu tư vào chế biến sâu để xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Điển hình là "ông lớn" Trung Nguyên Legend vừa khởi công Nhà máy Cà phê năng lượng tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Dự án này có vai trò quan trọng trong việc định hình ngành cà phê VN khi tham gia vào chuỗi chế biến sâu và chế biến tinh, tạo ra giá trị cao. Bên cạnh đó, một tên tuổi lớn khác là Intimex nâng công suất tăng gấp đôi lên 8.000 tấn/năm, với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê VN.
Thủy sản vẫn là lĩnh vực năng động nhất trong việc khai thác các phân khúc thị trường dựa vào công nghệ chế biến sâu. Ngoài các trụ cột là tôm, cá tra, cá ngừ, vài năm gần đây ngành thủy sản đã tạo ra dòng sản phẩm surimi - một dạng thịt cá xay được xử lý và tinh chế. Xuất khẩu chả cá và surimi của VN trong 5 tháng đầu năm lên hơn 140 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2024 và cao nhất trong 3 năm qua. Xuất khẩu surimi sang các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản đều ghi nhận sự tăng trưởng cao trên 30% so với cùng kỳ năm 2024. Hiện tại nhu cầu surimi đang tăng mạnh trên toàn cầu, từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ, tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp Việt đang gia tăng xuất khẩu sản phẩm này. "Với nguồn nguyên liệu phong phú, tay nghề chế biến ngày càng nâng cao, surimi đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản của VN. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, dòng sản phẩm này đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu", VASEP nhận định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Indonesia, Philippines, Nga…
Thị trường mới, sản phẩm mới, phân khúc mới..., các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực khai phá để đưa hàng hóa Việt ra thế giới bất chấp những biến động khó lường.
Theo Bộ NN-MT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 6.2025 ước đạt 5,93 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2024, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 33,84 tỉ USD, tăng 15,5%. |
Theo Chí Nhân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/xuat-khau-khai-pha-nhung-mo-vang-moi-185250706221125975.htm