190
/
182741
Kê đơn thuốc mạn tính tối đa 90 ngày: Bệnh nhân cần lưu ý gì?
ke-don-thuoc-man-tinh-toi-da-90-ngay-benh-nhan-can-luu-y-gi
news

Kê đơn thuốc mạn tính tối đa 90 ngày: Bệnh nhân cần lưu ý gì?

Thứ 2, 07/07/2025 | 09:32:00
84 lượt xem

Nhiều người bệnh mạn tính vui mừng khi Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh, nhóm bệnh được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày.

Người dân lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Thế nhưng, việc phát thuốc dài ngày cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà người bệnh cần lưu ý.

Không phải ai cũng được cấp thuốc tối đa 90 ngày

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 16 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, thông tư ban hành danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày gồm 252 bệnh, nhóm bệnh. Đối với bệnh thuộc danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn, căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.

Thế nhưng việc kê đơn thuốc tối đa 90 ngày không áp dụng cho toàn bộ bệnh nhân trong danh mục này. Ngay khi soạn thảo thông tư và danh mục, ông Vương Ánh Dương, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã lưu ý việc kéo dài thời gian kê đơn là vấn đề rất cẩn trọng, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người bệnh.

"Không phải cứ bệnh nào trong danh mục là được mặc định kê đơn 90 ngày. Bác sĩ sẽ phải căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để quyết định kê đơn bao nhiêu ngày.

Thông tư mới cũng quy định người kê đơn căn cứ vào chẩn đoán bệnh và tình trạng người bệnh để quyết định số lượng thuốc được kê, số ngày sử dụng của mỗi loại thuốc trong đơn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Số ngày cấp thuốc tùy từng mã bệnh sẽ dao động từ 30 đến 90 ngày", ông Dương cho hay và nhấn mạnh người dân không hiểu lầm rằng nằm trong danh mục là được mặc định cấp thuốc dài ngày.

Mỗi bác sĩ chịu trách nhiệm cho từng đơn thuốc và phải lường trước các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian bệnh nhân điều trị tại nhà.

Bác sĩ thận trọng, bệnh nhân lưu ý

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhóm bệnh mạn tính có đặc điểm là người già, sống phụ thuộc, thu nhập thấp; người có nhiều bệnh đồng mắc, dùng nhiều thuốc, khả năng đi lại hạn chế.

"Việc kê đơn trên 30 ngày giúp giảm số lần, thời gian đi đến bệnh viện, phòng khám của bản thân bệnh nhân và người nhà; tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống dọc đường; hạn chế nguồn lây nhiễm tại bệnh viện hoặc trên phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, thời tiết xấu. Đơn thuốc được ổn định, không bị thay đổi trong ít nhất 2-3 tháng sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị", bác sĩ Bảy cho hay.

Ông Vương Ánh Dương lưu ý để đảm bảo an toàn cho người bệnh, y bác sĩ vẫn cần đảm bảo nguyên tắc an toàn điều trị, tránh lạm dụng thuốc hoặc để người bệnh gặp biến chứng mà không được phát hiện kịp thời.

Người dân cũng cần được bác sĩ hướng dẫn để tự theo dõi và phát hiện sớm những tác dụng phụ của thuốc (nếu có) và cần theo dõi sức khỏe, uống thuốc theo hướng dẫn để bệnh không chuyển nặng.

Theo bác sĩ Bảy, có một số điểm các bác sĩ có chút quan ngại trong quản lý bệnh nhân trong diện được kê đơn dài ngày. Đầu tiên, những người được phát thuốc dài ngày có thể có tâm lý chủ quan nghĩ là bệnh đã ổn định nên không theo dõi tình trạng bệnh (như đo đường máu, huyết áp), không tập luyện thể dục hằng ngày, ăn uống thất thường, đặc biệt là uống thuốc không đều, thậm chí bỏ thuốc.

Do không được tư vấn, giáo dục sức khỏe thường xuyên; không được bác sĩ thăm khám nên người bệnh dễ bị bỏ sót các dấu hiệu nặng; quên ngày khám lại dẫn đến tình trạng hết thuốc. Những người có nhiều bệnh mạn tính, điều trị ở các bệnh viện/chuyên khoa khác nhau thì có thể có thuốc còn nhưng có thuốc lại bị hết.

"Vì vậy, để triển khai việc này một cách hiệu quả, các cơ sở y tế phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc để cấp cho người bệnh, có thể nhiều gấp 2-3 lần bình thường. Kèm theo đó là nhân lực phục vụ, điều phối khám bệnh và cấp phát thuốc. Đồng thời, phải bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin thông suốt, kết nối phòng khám - kho thuốc - điểm phát thuốc và nhà thuốc; hệ thống biển báo, hướng dẫn bệnh nhân.

Các bác sĩ tại khoa khám bệnh phải nghiên cứu kỹ danh mục bệnh, trao đổi kỹ lưỡng với bệnh nhân và người nhà xem trường hợp cụ thể nào có thể kê đơn 30 hay 60 hay 90 ngày. Ngoài ra, bác sĩ khám cần lên lịch hẹn chi tiết ngày giờ khám lại, hướng dẫn người bệnh đi khám đúng hẹn; cung cấp số hotline, các số Zalo... để người bệnh liên hệ khi có thắc mắc hoặc có bất thường về sức khỏe", bác sĩ Bảy khuyến cáo.

Bác sĩ Bảy nói thêm bệnh mạn tính nghĩa là bệnh kéo dài, sự ổn định chỉ là tạm thời, người mắc bệnh mạn tính thường là người già, có nhiều bệnh... nên để duy trì bệnh ở tình trạng ổn định, sức khỏe tốt thì cần đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện, nếu có gì chưa hiểu cần trao đổi ngay với bác sĩ khám bệnh hoặc dược sĩ phát thuốc.

Đặc biệt cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc hotline của các bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khi bị mắc thêm bệnh khác. Có thể đi khám lại ngay mà không chờ đủ 60 hay 90 ngày theo hẹn; chủ động đặt lịch khám trước 3-5 ngày qua số hotline hoặc app khám bệnh của các bệnh viện.

Bệnh nhân ung thư cần cẩn trọng

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay với bệnh nhân ung thư, khi đã đạt được kết quả điều trị ổn định và chỉ cần tái khám định kỳ để kiểm tra xem có tái phát hay di căn hay không thì sẽ được cấp thuốc định kỳ.

Hiện nay chính sách cấp thuốc tối đa 3 tháng đang áp dụng cho 3 nhóm bệnh là ung thư tuyến giáp, ung thư vú và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Điểm lưu ý là bệnh nhân phải đang trong tình trạng điều trị ổn định thì mới được cấp thuốc theo chu kỳ 3 tháng/lần và không quá 90 ngày.

"Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh rằng bệnh ung thư vẫn có nguy cơ tiến triển, tái phát hoặc di căn bất kỳ lúc nào. Vì vậy, nếu trong thời gian dùng thuốc định kỳ mà bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường như ho, đau ngực, khó chịu... thì cần đến khám sớm, không nên đợi đến lịch tái khám mới quay lại bệnh viện", bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Theo Dương Liễu/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/ke-don-thuoc-man-tinh-toi-da-90-ngay-benh-nhan-can-luu-y-gi-20250706233204438.htm 

  • Từ khóa

Nghiện tiêm filler một cô gái Việt bị hoại tử đùi, phải mổ hơn 60 lần để giành lại sự sống

“Bác sĩ ơi, cứu em với!, tiếng kêu cứu giữa đêm của người phụ nữ với hơn 60 lần phẫu thuật và đùi bị hoại tử do tiêm filler. Một ca đại phẫu sinh tử kéo...
07:50 - 07/07/2025
140 lượt xem

Bảo hiểm y tế chi trả ra sao khi khám bệnh vượt tuyến?

Chỉ một số trường hợp khi khám chữa bệnh vượt tuyến được bảo hiểm y tế chi trả tối đa.
17:47 - 06/07/2025
497 lượt xem

Khổ qua 'trị' tiểu đường, nhưng cần lưu ý điều này khi ăn

Khổ qua giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, cần thận trọng khi sử dụng khổ qua để...
11:50 - 06/07/2025
616 lượt xem

Nghiên cứu 23 năm, chỉ ra nhiều món ăn làm giảm tuổi thọ

Dữ liệu của hơn 540.000 người Mỹ ở độ tuổi từ 50 đến 71 đã được phân tích để làm rõ mối quan hệ giữa các loại thực phẩm và tuổi thọ.
17:43 - 05/07/2025
1,066 lượt xem

Sau bê bối tiêu cực trong giám định tâm thần: Bộ Y tế siết chặt quản lý thế nào?

Sau những lùm xùm liên quan đến tiêu cực trong công tác giám định tâm thần thời gian qua, Bộ Y tế vừa ban hành thông tư mới quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm...
07:31 - 05/07/2025
1,296 lượt xem