213
/
182598
Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ngành xuất bản bứt phá
tri-tue-nhan-tao-ho-tro-nganh-xuat-ban-but-pha
news

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ngành xuất bản bứt phá

Thứ 5, 03/07/2025 | 12:09:00
108 lượt xem

Trong làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng sâu rộng, ngành xuất bản được kỳ vọng bước vào thời kỳ bứt phá với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay, AI đã tham gia vào từng mắt xích của chuỗi xuất bản: sáng tác, biên tập, in ấn, phát hành sách điện tử, sách nói và phân tích thị hiếu bạn đọc.

Ứng dụng AI trong lĩnh vực xuất bản được triển khai liên tục và sôi động

Để nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nội dung và từng bước cá nhân hóa trải nghiệm người đọc nhằm mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của ngành xuất bản vẫn là một thách thức lớn.

Vấn đề "dễ" và "khó" của AI

Vài năm trở lại đây, ngành xuất bản Việt Nam đã có những chuyển động rõ nét trước làn sóng công nghệ mới. AI đang từng bước trở thành trợ thủ đắc lực giúp các nhà xuất bản đổi mới phương thức hoạt động. Đây vừa là xu thế toàn cầu, đồng thời cũng là hướng đi tất yếu giúp ngành xuất bản vượt qua những thách thức truyền thống, từng bước xây dựng nền tảng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến cuối năm 2024, có hơn 54% nhà xuất bản trong nước tham gia vào hoạt động xuất bản điện tử, cho thấy sự chuyển mình rõ rệt của toàn ngành.

Bên cạnh đó, các nền tảng công nghệ như: VoizFM, Waka; các hệ thống thư viện điện tử như: sachquocgia.vn, thuviencoso.vn, stbook.vn… cũng rất tích cực ứng dụng AI nhằm số hóa kho sách và mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng.

Đáng chú ý, sự đổi mới không giới hạn ở các nhà xuất bản lớn, nhiều đơn vị tư nhân, startup công nghệ và tác giả độc lập trong nước cũng đã chủ động tận dụng AI để sáng tạo nội dung, phát hành sách nhanh hơn, linh hoạt và gần gũi hơn với độc giả. Thông qua việc sử dụng AI để viết bản nháp, tạo giọng đọc nhân tạo cho sách nói đến việc phân tích dữ liệu hành vi người đọc nhằm tối ưu hóa nội dung, AI đang góp phần tái định nghĩa lại toàn bộ chuỗi giá trị của ngành xuất bản trong nước.

Các nền tảng công nghệ như: VoizFM, Waka; các hệ thống thư viện điện tử như: sachquocgia.vn, thuviencoso.vn, stbook.vn… cũng rất tích cực ứng dụng AI nhằm số hóa kho sách và mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng.


Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên nhận định: AI đang tạo ra cuộc cách mạng trong ngành xuất bản. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao nhận thức, năng lực công nghệ và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để bảo đảm AI được ứng dụng đúng hướng, hiệu quả và có kiểm soát. Để thực hiện điều này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, nhà xuất bản và doanh nghiệp công nghệ.

Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ biên tập viên, tác giả và cán bộ xuất bản có khả năng làm việc với công cụ là yếu tố then chốt để duy trì tính chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Alpha và Omega Việt Nam, chia sẻ: AI không làm mất đi vai trò của con người trong sáng tạo nội dung mà ngược lại sẽ giúp con người phát huy thế mạnh tư duy, cảm xúc. Những phần việc kỹ thuật như biên tập sơ bộ, kiểm lỗi, hay thậm chí là dịch thuật, có thể được giao cho AI xử lý nhanh và chính xác. Ngành xuất bản cần coi AI như một “đồng nghiệp” chứ không phải đối thủ.

Ở cấp độ sản xuất nội dung, AI đang được các nhà xuất bản ứng dụng vào nhiều công đoạn. Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, AI là xu hướng, là vấn đề cấp thiết cần được xem xét ở hai mặt: sở hữu trí tuệ và vai trò trong phát triển ngành xuất bản. Cụ thể, các công cụ AI đang hỗ trợ tác giả ở công đoạn vốn tiêu tốn rất nhiều thời gian, chi phí nhưng ưu điểm và nhược điểm, cách lượng hóa về sự tác động đến ngành xuất bản thế nào cho phù hợp?

Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu trí tuệ đang trở thành “nút thắt” cần được giải quyết kịp thời. Việc AI có thể tạo nội dung dễ dàng khiến câu hỏi về “ai là tác giả” trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, AI cũng góp phần làm tăng tốc độ sao chép sách trái phép, đặc biệt với ebook và audiobook - các hình thức xuất bản vốn đang bị phát tán rộng rãi qua các nền tảng số không được cấp phép.

Tăng kiểm soát để tránh rủi ro

Việc AI góp phần nâng cao năng suất, mở rộng khả năng sáng tạo và tối ưu hóa quy trình trong ngành xuất bản là điều không thể phủ nhận. Song, sự phát triển mạnh mẽ và thiếu kiểm soát của AI cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về đạo đức nghề nghiệp, bản quyền tác giả, chất lượng nội dung và nguy cơ phụ thuộc quá mức vào công nghệ.

Tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia công nghệ cho rằng, để AI thực sự trở thành một công cụ hỗ trợ tích cực, bền vững cho ngành xuất bản, cần có chiến lược phát triển đồng bộ với các giải pháp cụ thể, tập trung vào các nhóm vấn đề: Hoàn thiện hành lang pháp lý, ưu tiên sửa đổi Luật Xuất bản; nâng cao năng lực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nền tảng dữ liệu số và xuất bản dùng chung; thúc đẩy sáng tạo nội dung trên nền tảng AI một cách có trách nhiệm.

Các chuyên gia công nghệ cảnh báo: Nếu ngành xuất bản lạm dụng trí tuệ nhân tạo mà thiếu kiểm soát, hậu quả không dừng lại ở chất lượng nội dung mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nghề nghiệp, văn hóa đọc và sự tồn vong của tư duy sáng tạo con người trong lĩnh vực vốn mang tính nhân văn và trí tuệ này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Văn Giá cho rằng, điều đầu tiên AI tác động đến chính là sự mất dần bản sắc sáng tạo của con người. Theo đó, sáng tạo văn chương, học thuật hay bất kỳ dạng nội dung nào đều phản ánh trí tuệ, cảm xúc và trải nghiệm cá nhân. Đó là những yếu tố mà AI chưa thể tái hiện một cách nguyên bản.

Khi ngành xuất bản quá phụ thuộc vào các công cụ để viết, biên tập hay thiết kế, sản phẩm cuối cùng dễ trở thành đồng loạt, vô hồn, tương tự nhau về cấu trúc, phong cách, thiếu chiều sâu cảm xúc. Nếu không được kiểm soát, thị trường sẽ nhanh chóng tràn ngập những nội dung sản xuất hàng loạt, khiến người đọc mất niềm tin vào chất lượng, tính chân thực của sách. Điều này có thể đẩy văn hóa đọc vào khủng hoảng.

Nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch hoặc nửa vời cũng được giới chuyên môn phân tích. Khi các nhà xuất bản không đủ năng lực kiểm duyệt hoặc để AI tự động tạo nội dung học thuật, sách giáo dục, sách khoa học… thì nguy cơ này rất cao. Thí dụ, AI có thể tạo ra một cuốn sách khoa học dựa trên những nguồn thiếu kiểm chứng hoặc một cuốn sách kỹ năng sống dựa trên các trào lưu ngắn hạn từ mạng xã hội. Khi đó, ngành xuất bản sẽ không còn là “người gác cổng tri thức”, mà trở thành công cụ tái bản những sai lầm tiềm ẩn.

Ngoài ra, nếu quá trình sáng tác chuyển từ tư duy và cảm nhận thành việc “ra lệnh và kiểm duyệt” máy thì vai trò tác giả sẽ bị giảm thiểu nghiêm trọng; thay cho vai trò người truyền cảm hứng, phản ánh hiện thực hay tạo dựng thế giới riêng biệt qua ngôn từ, các tác giả có thể chỉ còn là người ra lệnh, biên tập lại bản nháp của AI. Đó là nguy cơ tác động tới chất lượng sáng tạo, góp phần làm mai một nghề viết - một trong những trụ cột tinh thần của văn hóa, tri thức dân tộc.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên nhấn mạnh về nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái lao động trong ngành xuất bản và bất bình đẳng nội dung. Cụ thể, không có chiến lược chuyển đổi việc làm hợp lý, ngành xuất bản có thể phải đối mặt với tình trạng mất đi nguồn nhân lực chuyên môn lâu năm khiến ngành suy yếu từ bên trong, khó có khả năng duy trì chất lượng xuất bản lâu dài ngay cả khi các công nghệ AI có thể tạm thời lấp đầy khoảng trống ấy.

Nếu xu hướng “AI hóa” lan rộng, các nhà xuất bản quy mô nhỏ, cá nhân độc lập cũng sẽ khó có cơ hội cạnh tranh, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận thị trường và bạn đọc. Hệ quả là thị trường có thể bị chi phối bởi công nghệ khiến nguyên tắc tự do học thuật, đa dạng hóa tri thức mà ngành xuất bản luôn hướng tới bị hạn chế đáng kể.

Công nghệ AI đang mở ra cánh cửa đổi mới mạnh mẽ cho ngành xuất bản. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát bởi tư duy chiến lược và nền tảng đạo đức, AI có thể vô tình làm xói mòn bản sắc sáng tạo, phá vỡ hệ sinh thái tri thức và đe dọa đến văn hóa đọc bền vững. Ngành xuất bản cần thực hiện song song ứng dụng công nghệ và định hướng công nghệ, lấy con người làm trung tâm, lấy tri thức làm nền tảng và giá trị sáng tạo làm mục tiêu.

Theo Mai Lữ/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/tri-tue-nhan-tao-ho-tro-nganh-xuat-ban-but-pha-post891294.html

  • Từ khóa

Quản lý thi cử trong kỷ nguyên số: Ba trụ cột hóa giải thách thức

Hành vi chưa từng có tiền lệ này không chỉ đặt ra yêu cầu về giải pháp ứng phó với gian lận thi cử mới mà còn đòi hỏi cả những thay đổi trong dạy học,...
15:40 - 03/07/2025
20 lượt xem

Tường lửa thế hệ mới đạt tốc độ 300 Gbps

Hệ thống tường lửa truyền thống của các hệ thống an ninh mạng không đủ để giải quyết các rủi ro tấn công, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát...
14:08 - 03/07/2025
62 lượt xem

Google trả giá vì lén theo dõi điện thoại Android

Google bị tố cáo lén lút thu thập dữ liệu ngay cả khi điện thoại Android của bạn đang 'ngủ'.
10:45 - 03/07/2025
141 lượt xem

Ứng dụng VNeID vừa bổ sung một loạt tiện ích mới mà người dân cần biết

Với bản cập nhật mới, người dân có thể truy cập VNeID ổn định, không còn gặp tình trạng gián đoạn như trước.
09:59 - 03/07/2025
155 lượt xem

Mua thiết bị thông minh giá rẻ cần lưu ý gì?

Thiết bị thông minh giá rẻ đang ngày càng phổ biến. Nhưng chúng cũng đi kèm nguy cơ, nhất là với những người dùng 'hồn nhiên' trao niềm tin vào sản phẩm...
07:42 - 03/07/2025
208 lượt xem