4 điểm cực của Việt Nam luôn là điểm đến được khách du lịch yêu thích, chinh phục. Sau sáp nhập, 4 điểm cực này có sự thay đổi về địa giới hành chính.
Cột cờ Lũng Cú - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 12-6-2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Từ 63 tỉnh thành, bản đồ hành chính được sắp xếp lại thành 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố).
Theo đó, ranh giới, diện tích tự nhiên, quy mô của mỗi tỉnh thành có sự thay đổi. 4 điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc cũng có sự thay đổi về thông tin địa giới hành chính.
Cực Bắc
Điểm cực Bắc (tọa độ: 23°22'59"B 105°20'20"Đ) là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với cao nguyên đá Đồng Văn. Sau khi sáp nhập với Tuyên Quang, thông tin của điểm cực Bắc được đổi thành xã Lũng Cú, tỉnh Tuyên Quang.
Cột cờ A Pa Chải tại điểm cực Tây Tổ quốc - Ảnh: TỰ HẠ
Cực Tây
Cực Tây Tổ quốc nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào, nơi một con gà gáy cả ba nước đều nghe tiếng. Cực Tây nổi tiếng với cột mốc km0 trên đỉnh A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Sau sáp nhập, cực Tây có địa chỉ mới là xã Sín Thầu, tỉnh Điện Biên.
Mũi Đôi - Hòn Đầu, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam - Ảnh: TRẦN HOÀI
Cực Đông
Cực Đông còn được gọi là nơi đầu tiên đón bình minh trên đất liền tại Việt Nam. Địa điểm này hiện nằm trên bán đảo Hòn Gốm, xã Đại Lãnh, tỉnh Khánh Hòa.
Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao - Ảnh: THANH HUYỀN
Cực Nam
Cực Nam của Việt Nam nằm tại xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Đây là điểm cực Nam trên phần đất liền của lãnh thổ nước ta.
Không chỉ có vị trí địa lý quan trọng, cực Nam còn là nơi du khách tìm đến trên hành trình chinh phục 4 điểm cực trên đất liền của Tổ quốc, cũng như khi đến với Cà Mau.
Theo Nguyễn Hiền/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cap-nhat-thong-tin-4-diem-cuc-cua-viet-nam-sau-sap-nhap-20250702145739934.htm