Hôm nay, 1/7/2025, tại Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2025). Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh Hưng Yên,
Kính thưa Đại diện gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và bà con quê hương Giai Phạm.
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, trong không khí thiêng liêng, trang trọng và đầy tự hào, chúng ta có mặt tại đây để long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2025) – một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về bản lĩnh cách mạng và đặc biệt là người đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.
Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Linh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến to lớn, những quyết sách lịch sử mà đồng chí đã đưa ra trong những thời khắc có tính bước ngoặt của đất nước. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm và rút ra những bài học quý báu từ tư duy, bản lĩnh, phương pháp lãnh đạo của đồng chí – những bài học mang ý nghĩa sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc, có bí danh Cách mạng Mười Cúc, là người con tiêu biểu không chỉ của quê hương Giai Phạm (nay là xã Nguyễn Văn Linh), của Hưng Yên mà đồng chí còn là người con tiêu biểu của đất nước, non sông Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với phong trào Cách Mạng từ những năm 1930 ở miền Bắc và nhiều năm ở miền Nam trước khi trở thành Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1986.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một chuỗi dài những tháng ngày đấu tranh kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi gian khổ, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không khuất phục, không dao động. Ngay cả trong lao tù, đồng chí vẫn tìm cách liên lạc, tổ chức hoạt động bí mật, góp phần giữ lửa cách mạng.
Từ những năm 1940 đến 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, trong phong trào cách mạng ở miền Nam, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, là hậu thuẫn quan trọng cho lực lượng vũ trang giải phóng tiến công địch trên các mặt trận lớn, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục đảm nhận những trọng trách lớn: Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1986 đến 1991, trong bối cảnh đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và cần có một quyết sách lớn để thoát ra.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có. Đồng chí khẳng định: Không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của đồng chí là loạt bài "Những việc cần làm ngay" trên báo Nhân Dân từ năm 1987, với bút danh "NVL". Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí – những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân.
Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của đồng chí, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực: từ sản xuất nông nghiệp chuyển từ tập trung sang khoán hộ, từ bao cấp sang thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập, từ quản lý mệnh lệnh sang vận hành theo quy luật cung – cầu. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên
Thứ nhất, bài học về tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng khẳng định: Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận quá khứ, mà là tiếp tục phát triển từ thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật để hành động. Tinh thần đó là kim chỉ nam cho thế hệ cán bộ hôm nay – khi đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức: mô hình tăng trưởng truyền thống có khó khăn, các vấn đề môi trường, già hóa dân số, cạnh tranh địa chính trị gay gắt.
Chỉ có đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận và dám làm điều chưa có tiền lệ, chúng ta mới có thể đưa đất nước tiến xa hơn. Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải có dũng khí nhận trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với cái mới, sẵn sàng vượt qua sự bảo thủ, trì trệ.
Thứ hai, bài học về gắn bó mật thiết với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe phản ánh của quần chúng, tiếp xúc với thực tiễn đời sống. Những quyết sách đổi mới của đồng chí không bắt nguồn từ sách vở, mà bắt nguồn từ mong muốn và nhu cầu sống còn của người dân, của doanh nghiệp, của từng hợp tác xã, từng xí nghiệp nhỏ.
Ngày nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… cán bộ lãnh đạo các cấp càng cần phải gần dân, hiểu dân, biết dân cần gì để hướng dẫn thay vì mệnh lệnh hành chính thuần túy. Đó là nền tảng của một nền quản trị hiện đại, hiệu quả và có tính đồng thuận cao.
Thứ ba, bài học về chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong.
Trong loạt bài "Những việc cần làm ngay", đồng chí không ngần ngại phê bình thẳng thắn những biểu hiện của tham nhũng, lợi ích nhóm, lạm dụng quyền lực. Đồng chí quan niệm: Đổi mới không chỉ là về kinh tế, mà là phải đổi mới cả đạo đức, lề lối, kỷ cương trong Đảng.
Bài học này đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không có một Đảng mạnh, trong sạch thì không thể có một đất nước hùng cường.
Thứ tư, bài học về độc lập tư duy, phát huy nội lực, đi lên từ chính bản thân mình.
Trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nhấn mạnh: Việt Nam đổi mới không theo lệnh của ai, không rập khuôn mô hình bên ngoài, mà xuất phát từ thực tiễn của chính mình, vì lợi ích của dân tộc. Đó là tầm nhìn sâu xa, phù hợp cả trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay.
Việt Nam cần học hỏi quốc tế, hợp tác sâu rộng, nhưng quan trọng hơn là phát triển bản lĩnh nội tại: khoa học công nghệ, thể chế linh hoạt, nguồn nhân lực chất lượng cao, và tinh thần dân tộc kiên cường.
Kính thưa các đồng chí,
Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, chúng ta càng cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực. Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân.
Chúng ta cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân; chúng ta phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hôm nay ngày 1/7/ 2025, cả đất nước ta trên khắp 34 tỉnh, thành với 3.321 phường, xã, đặc khu bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình đơn vị hành chính hai cấp. Đây là bước chuyển mình lịch sử của dân tộc. Về cơ bản mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo, với tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Nhưng buổi đầu chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn nhất định, nhưng tôi tin rằng với sự quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt những mục tiêu yêu cầu đã đặt ra.
Chúng ta học tập tinh thần và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta hành động theo những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhất định sẽ thành công.
Kính thưa các đồng chí,
Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Linh là bài ca về lý tưởng, là bản lĩnh của người cộng sản, là hành trình phụng sự nhân dân không mỏi mệt. Những giá trị ấy là di sản tinh thần vô giá, là hành trang để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tinh thần Nguyễn Văn Linh luôn tỏa sáng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kính chúc các đồng chí và toàn thể các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc.
Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-le-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-102250701114811609.htm