"Cập nhật thông tin", "chuyển đổi dữ liệu", "đồng bộ hóa giấy tờ"... là chiêu trò đang được đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập các tỉnh thành tung ra nhằm chiếm đoạt tiền, thông tin của người dân.
Giả mạo từ cán bộ xã đến nhân viên điện lực
Ngày 30.6, chị Hà Hoàng, chuyên kinh doanh bánh mì tại P.Cẩm Phả, Quảng Ninh, kể lại: "Sáng ra tôi thấy cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tưởng là khách đặt mua bánh mì nên tôi nghe máy, đầu dây bên kia một người tự xưng là công an địa phương, liên hệ báo phải tích hợp thông tin giấy tờ của con tôi vào ứng dụng VNeID, vì sau ngày 1.7 là sáp nhập phường xã sẽ có nhiều thay đổi. Thường với những cuộc gọi như thế này tôi sẽ nhanh chóng cúp máy, nhưng đúng là đang thời điểm sáp nhập tỉnh thành cũng như quận huyện nên tôi mới nửa tin nửa ngờ. Sau khi thấy tôi có vẻ giảm bớt nghi ngờ, người này lại tiếp tục cho tôi số điện thoại của cán bộ hành chính công để hẹn lịch làm việc. Vẫn cảnh giác, tôi kiểm tra lại thông tin từ hàng xóm thì xác định đây là hình thức lừa đảo nên không tiếp tục làm theo hướng dẫn của những người này".
Cùng ngụ địa bàn Quảng Ninh, chị N.V.A, chủ một tiệm cà phê, cũng gặp tình trạng bị cuộc gọi dẫn dụ tương tự. Chị V.A kể: "Tôi cũng gặp trường hợp cuộc gọi tự nhận là cán bộ công an và đọc đúng tên tuổi, căn cước công dân của tôi, hẹn buổi chiều lên ủy ban phường cập nhật ngay thông tin trước khi sáp nhập tỉnh thành, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nữa. Tôi nghe như vậy liền tin sái cổ. Lúc này người gọi đến còn bảo tôi kết bạn Zalo để gửi đường link và cập nhật VNeID mức 2. Đến lúc này tôi thấy nghi ngờ nên kiểm tra lại thông tin, may mắn là đã được người nhà ngăn cản kịp thời, nếu không chắc đã trúng bẫy của các đối tượng lừa đảo".
Không chỉ lợi dụng chủ trương sáp nhập tỉnh thành để đánh vào tâm lý hoang mang của người dân, các đối tượng lừa đảo còn nghĩ ra nhiều kịch bản tinh vi hơn. Theo Tập đoàn điện lực VN (EVN), trong quá trình sáp nhập, đã xuất hiện các trường hợp đối tượng xấu gọi điện giả mạo nhân viên ngành điện, thông báo thay đổi địa chỉ thanh toán hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để "cập nhật hệ thống". Những chiêu trò này đều nhằm chiếm đoạt tiền hoặc dữ liệu cá nhân. Các chiêu trò thường có kịch bản gọi điện, nhắn tin với nội dung "điện lực đang thực hiện sáp nhập đơn vị, cần cập nhật lại thông tin thanh toán tiền điện theo địa chỉ mới".
Sau đó, các đối tượng sẽ gửi đường link lạ, yêu cầu người dân truy cập để điền thông tin cá nhân, bao gồm: họ tên, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP ngân hàng. Thậm chí có đối tượng còn yêu cầu gọi video call để dễ hướng dẫn thực hiện. Sau khi nạn nhân điền đầy đủ thông tin hoặc cung cấp mã OTP, toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt nhanh chóng. Đã có nhiều trường hợp bị mất tiền vì quá tin vào các cuộc gọi mạo danh này.
Ngành điện không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản ngân hàng hoặc nhấn vào đường link lạ qua cuộc gọi, tin nhắn hay mạng xã hội. Bất kỳ thông báo chính thức nào cũng sẽ được gửi qua các kênh website và ứng dụng chính thức của EVN.
Tập đoàn điện lực VN (EVN)
EVN khẳng định: Ngành điện không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản ngân hàng hoặc nhấn vào đường link lạ qua cuộc gọi, tin nhắn hay mạng xã hội. Bất kỳ thông báo chính thức nào cũng sẽ được gửi qua các kênh website và ứng dụng chính thức của EVN.
...Hay cuộc gọi giả mạo nhân viên điện lực. ẢNH: QUANG THUẦN TẠO BẰNG AI
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết: Từ ngày 1.7.2025, EVNHCMC chính thức tiếp nhận quản lý hai công ty điện lực Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này đồng nghĩa toàn bộ khách hàng sử dụng điện tại hai tỉnh cũ sẽ được chăm sóc, phục vụ bởi EVNHCMC trong địa bàn mới mở rộng. Ngành điện sẽ duy trì ổn định việc cung cấp điện và dịch vụ khách hàng dù có thay đổi địa giới hành chính. Đơn vị đã tiến hành sắp xếp lại 15 công ty điện lực thành 10 công ty để phù hợp với địa bàn mới, đồng thời thiết lập hệ thống chăm sóc khách hàng đồng bộ trên toàn TP.HCM.
"EVNHCMC khuyến cáo người dân tại Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) từ ngày 1.7.2025 nên cài đặt ứng dụng EVNHCMC tại website chính thức. Việc thanh toán tiền điện cũng cần lưu ý thực hiện qua các cổng chính thống của EVNHCMC để tránh chuyển nhầm cho đối tượng giả mạo. Khách hàng sử dụng dịch vụ trích nợ tự động hoặc ủy nhiệm chi nên liên hệ với ngân hàng để cập nhật lại thông tin tài khoản mới", ông Bùi Trung Kiên nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn, nhận định: "Hiện tượng lợi dụng sự kiện sáp nhập tỉnh thành là một môi trường lý tưởng để các đối tượng lừa đảo tái diễn chiêu trò của mình, dưới danh nghĩa "cập nhật thông tin", "chuyển đổi dữ liệu", "đồng bộ hóa giấy tờ". Bên cạnh các hình thức lừa đảo cập nhật VNeID, điện lực đã được cảnh báo, nhiều chiêu trò đang diễn ra, gồm: dọa ngắt điện, nước, internet nếu không làm theo hướng dẫn và dẫn dụ người dân vào link độc hại hoặc app giả mạo.
Trong thời gian tới, các hình thức lừa đảo khác có khả năng xuất hiện, như: Lừa đăng ký lại quyền sở hữu đất đai, nhà cửa (sổ đỏ, sổ hồng); giả danh cơ quan nông nghiệp - môi trường yêu cầu người dân cập nhật địa chỉ hành chính mới, sau đó thu phí "hỗ trợ làm nhanh"; lừa đảo hỗ trợ chuyển đổi biển số xe, giấy phép lái xe. Cụ thể, bọn lừa đảo có thể tạo kịch bản như: "Sáp nhập tỉnh → đổi mã vùng → đổi biển số/giấy phép" nhằm lừa người dân nộp tiền "lệ phí chuyển đổi" qua ví điện tử hoặc tài khoản cá nhân.
Ngoài ra còn nhiều chiêu trò mạo danh khác như giả danh cơ quan thuế, UBND để thu phí; dùng app giả mạo VNeID hoặc website giả Cổng dịch vụ công để lấy OTP; "cập nhật" hoặc "chuyển đổi" ngân hàng… Người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, mạng xã hội, tin nhắn không rõ nguồn gốc; không truy cập các đường link lạ hoặc tải ứng dụng không có trên App Store/CH Play chính thức. Tất cả thông báo chính thức liên quan đến sáp nhập đều sẽ có công văn, dấu đỏ, thông báo qua chính quyền địa phương, không bao giờ là cuộc gọi bất ngờ. Nếu nghi ngờ, gọi xác minh lại với chính quyền phường/xã hoặc công an địa phương. Người dân cần tỉnh táo và luôn đề cao cảnh giác trong mọi giao dịch trực tuyến, đặc biệt là khi có liên quan đến cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng. Ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn |
Theo Khang Ka/Thanh niên
https://thanhnien.vn/canh-giac-voi-cac-cuoc-goi-cap-nhat-thong-tin-18525063022302537.htm